Giới thiệu

Quá trình hình thành và phát triển
Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An (Khu SQTG) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận vào ngày 18/9/2007 và là Khu SQTG được công nhận thứ 6 của Việt Nam. Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã tổng kết, đánh giá 10 năm hoạt động của Khu SQTG và trình nộp Uỷ ban MAB – UNESCO quốc tế Báo cáo 10 năm.

a) Vị trí địa lý: Khu SQTG không thay đổi về tọa độ địa lý kể từ thời điểm xây dựng hồ sơ đề cử cho đến nay, cụ thể: Kinh độ Đông: 103.874663 – 105.502067; Vĩ độ Bắc: 18.578815 – 19.995825.

b) Diện tích và phân khu chức năng: Khu SQTG miền Tây Nghệ An có tổng diện tích là 1.299.795 ha và được phân thành 03 phân vùng chức năng (Hình 1).
Vùng lõi: Diện tích 168.301ha, dân số 1.953 người, bao gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt thuộc 5 huyện: Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, và Tương Dương.
Vùng đệm: Diện tích 608.547ha, dân số 314.709 người, thuộc 8 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương, và Tương Dương.
Vùng chuyển tiếp: Diện tích khoảng 522.947ha, dân số 611.367 người, thuộc địa giới hành chính 8 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, và Tương Dương.
Khu SQTG có hơn 120 km đường biên giới và hai cửa khẩu: Cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) và cửa khẩu Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) thông thương với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Quốc lộ 7, Quốc lộ 48 cùng hệ thống giao thông rất thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội trong vùng.

Hình 1. Bản đồ phân vùng của Khu SQTG miền Tây Nghệ An

Ba (03) phân vùng chức năng là cơ sở để thực hiện các chính sách quản lý, biện pháp tác động khác nhau nhưng đồng thời có sự hỗ trợ nhau giữa các phân khu, hay đúng hơn là “điều phối liên ngành” trong thực hiện các chức năng chung Khu SQTG:
– Chức năng bảo tồn: Đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và di truyền;
– Chức năng phát triển: Thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở bảo đảm phát triển bền vững môi trường và thực nghiệm bảo tồn nghiên cứu khoa học;
– Chức năng hỗ trợ: Nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững ở phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.

c) Dân số: tổng dân số thuộc khu SQTG là 927,029 người thuộc 6 nhóm dân tộc (Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Kinh và Mông) của 182 xã của 9 huyện, trong đó: Vùng lõi: 953 người, Vùng đệm: 314.207 người; Vùng chuyển tiếp: 611.869 người (Báo cáo đánh giá 10 năm Khu SQTG, 2017).

2. Đa dạng sinh học và hiệu quả bảo tồn
Khu SQTG miền Tây Nghệ An có diện tích lớn nhất trong mạng lưới các Khu SQTG tại Việt Nam với tổng diện tích tự nhiên 1.299.795ha; là nơi có độ che phủ rừng 66,4%, có ĐDSH cao với sự đa dạng và phong phú về các loài, hệ sinh thái và nguồn gien. Ba vùng lõi là: VQG Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống và Khu BTTN Pù Hoạt duy trì hiệu quả bảo tồn ĐDSH thông qua việc giảm tối đa sự ảnh hưởng do các hoạt động kinh tế của con người.
Các sinh cảnh sống ở Khu SQTG miền TNA rất đa dạng bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác dẫn tới sự đa dạng của hệ sinh thái gồm các hệ sinh thái rừng, các hệ sinh thái nước ngọt như sông ngòi, lòng hồ… Hệ sinh thái rừng của đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, gồm: Kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới, rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa trên núi đá vôi, rừng hỗn giao gỗ nứa, rừng tre nứa, trảng cây bụi và trảng cỏ; và rừng trồng.
Ba (03) vùng lõi gồm VQG Pù Mát, khu BTTN Pù Huống và khu BTTN Pù Hoạt là nơi tập trung cao nhất của ĐDSH: Khu BTTN Pù Huống và Pù Hoạt có rừng núi đất, núi đá với nhiều loài động thực vật có giá trị bảo tồn mang tính toàn cầu; VQG Pù Mát có tỉ lệ che phủ rừng trên 80% diện tích. Miền Tây Nghệ An là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt Lào. Thực vật có khoảng 3.961 loài, trong đó khoảng 3.019 loài thực vật có mạch; có 942 loài động vật có xương sống lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó động vật nguy cấp, quý hiếm có 25 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam 2007; 23 loài Sách Đỏ IUCN 2013; 25 loài CITES 2006. Thực vật nguy cấp, quý hiếm có 9 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam 2007; 9 loài Sách Đỏ IUCN 2013; 3 loài CITES 2006 một số loài như Thông đỏ, Sao Hải nam, Trắc, Nghiến…. (Phụ lục 3). Sau 10 năm hoạt động, Khu SQTG miền Tây Nghệ An vẫn đảm bảo được tính ĐDSH cao với sự đa dạng về loài, hệ sinh thái và nguồn gen. Diện tích rừng tự nhiên trong các vùng lõi được bảo vệ nguyên trạng. Hệ sinh thái rừng trồng được cải thiện đáng kể với việc nhiều diện tích đồi núi trọc trước đây đã được phủ xanh.
Từ năm 2007 – 2017, nhiều chương trình bảo tồn ĐDSH đã được triển khai, tập trung vào 3 vùng lõi trong đó có các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, điều tra và giám sát ĐDSH và bảo tồn các loài quý hiếm. Theo thống kê, có khoảng 30 cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hợp tác trực tiếp với các VQG, KBT và BQL Khu SQTG miền Tây Nghệ An thực hiện các nghiên cứu và khoảng 45 đề tài, dự án thuộc Sở KH&CN quản lý đã được triển khai. Tỉnh Nghệ An đã xây dựng “Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Từ năm 2015 đến 2017, nghiên cứu tại Khu SQTG đã phát hiện, bổ sung một số loài mới và đã được công bố trên các tạp chí quốc gia, quốc tế.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ  cũng đã đạt được kết quả tích cực góp phần không nhỏ trong các hoạt động bảo tồn và phát triển KTXH trong Khu SQTG. Theo thông kê của Chic cục Kiểm Lâm Nghệ An đến cuối năm 2017, diện tích rừng và độ che phủ  huyện trong Khu SQTG như sau:

TT Huyện Tổng DT có rừng Diện tích trong quy hoạch 3 loại rừng Diện tích ngoài 3 loại rừng Tỷ lệ che phủ rừng (%)
Tổng Chia theo mục đích sử dụng
Đặc dụng Phòng hộ Sản xuất
1 Anh Sơn 28.572,5 23.390,0 2.227,1 6.801,8 14.361,2 5.182,5 47,4
2 Con Cuông 147.304,9 140.449,1 73.882,1 17.977,2 48.589,8 6.855,7 84,7
3 Kỳ Sơn 104.328,1 94.946,5 0,0 65.237,9 29.708,6 9.381,6 49,8
4 Quế Phong 142.910,6 139.495,1 35.187,4 43.883,4 60.424,3 3.415,5 75,6
5 Quỳ Châu 81.978,6 79.376,8 11.603,5 19.961,1 47.812,2 2.601,9 77,5
6 Quỳ Hợp 47.081,1 43.605,5 1.904,1 9.686,5 32.015,0 3.475,5 49,9
7 Tân Kỳ 27.346,1 22.972,3 0,0 5.546,4 17.425,9 4.373,8 37,5
8 Tương Dương 223.422,4 216.256,4 39.054,0 80.516,5 96.685,9 7.166,0 79,5
9 Thanh Chương 59.622,2 53.834,0 0,0 20.126,3 33.707,7 5.788,2 52,7
TỔNG 862.566,5 814.325,7 163.858,2 269.737,1 380.730,6 48.240,7 66,4
3. Các giá trị văn hóa và lịch sử
Sự đa dạng và đậm đà bản sắc văn hoá của các nhóm dân tộc thiểu số là đặc trưng lớn nhất và là niềm tự hào của miền Tây Nghệ An. Đây là miền đất, ngôi nhà chung của 6 dân tộc anh em sinh sống lâu đời và hiện vẫn lưu giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống độc đáo và các di tích lịch sử-văn hóa quan trọng gắn với quá trình phát triển. Nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm nét văn hoá bản địa đặc sắc. Nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa (đền, chùa, lễ hội) đã được trùng tu, phục hồi và đang phát triển tốt thông qua việc huy động nguồn lực theo hình thức xã hội hoá như: di tích và lễ hội đền Choọng (huyện Quỳ Hợp), lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong), đền Vạn – Cửa Rào (huyện Tương Dương), lễ hội Hang Bua (Huyện Quỳ Châu), lễ hội Mường Ham (huyện Quỳ Hợp),… Người dân, doanh nghiệp địa phương với sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền đã đóng góp các nguồn lực để tôn tạo di tích và phục hồi các lễ hội, tập tục văn hóa truyền thống, từ đó thu hút đông đảo người dân địa phương và các vùng lân cận đến thăm quan và sinh hoạt tín ngưỡng. Hiện nay có một số ngôn ngữ, văn hoá của dân tộc bản địa có nguy cơ mai một, đặc biệt là chữ viết và Ban Dân tộc, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An và các huyện đã, đang nỗ lực gìn giữ, phát triển vốn văn hoá đặc sắc này.

4. Phát triển kinh tế – xã hội, tiềm năng du lịch, dịch vụ sinh thái
Xu hướng thay đổi cơ cấu các ngành kinh tế chính từ năm 2007 tới nay của 9 huyện miền Tây Nghệ An là theo hướng nông – lâm nghiệp giảm, công nghiệp, xây dựng và thương mại, du lịch tăng. Lâm nghiệp có xu hướng tăng trưởng khá, thể hiện ở diện tích rừng sản xuất tăng, giá trị và sản lượng tăng. Du lịch có tăng trưởng tích cực và tăng đều, đặc biệt tại 3 vùng lõi của Khu SQTG. Sinh kế của cộng đồng ở các huyện vùng đệm và vùng chuyển tiếp thay đổi mạnh mẽ. Sau khi ban quản lý khu SQTG miền Tây Nghệ An được thành lập, đã có nhiều sáng kiến phát triển sinh kế cộng đồng cộng đồng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng, thân thiện với môi trường và thích ứng với BĐKH. Các mô hình được triển khai trực tiếp và gián tiếp bởi sự liên kết, phối hợp giữa các Vườn quốc gia, Khu BTTN và chính quyền địa phương, một vài nơi có các dự án quốc tế. Chương trình Nông thôn mới đạt được những thành công quan trọng, giúp cải thiện hạ tầng nông thôn tại các xã nghèo và do đó tạo thuận lợi cho cải thiện sinh kế cộng đồng. Đã có nhiều sáng kiến cộng đồng với hàng chục mô hình sinh kế được triển khai, trên 50  mô hình sản xuát kinh doanh điển hình thành công trong kết hợp bảo tồn ĐDSH (cây, con quý hiếm) với tạo thu nhập cho người dân trên cơ sở kết hợp kiến thức bản địa với KH-CN đã được phát huy hiệu quả.
Mô hình quản lý rừng cộng đồng (hình thức giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn/ bản) với vai trò làm chủ của cộng đồng (sở hữu, quản lý, giám sát và hưởng lợi từ rừng theo các quy ước chung) đã cho thấy những kết quả tích cực nổi bật và đóng góp đáng kể cho bảo tồn và phát triển rừng. Theo đó, thúc đẩy phát triển sinh kế dựa vào rừng, sản phẩm cây dược liệu, du lịch – dịch vụ và nghiên cứu khoa học tại các phân vùng chức năng của khu SQTG.
Đồng quản lý rừng (cộng đồng, chính quyền, doanh nghiệp): rừng được giao cho các hộ gia đình và/hoặc cộng đồng quản lý. Chính quyền địa phương, người dân, lực lượng kiểm lâm, cán bộ VQG, KBT cùng tham gia quản lý và bảo vệ rừng. Hiện tại, phần lớn diện tích rừng của 3 vùng lõi đã được giao khoán cho người dân bảo vệ. Kinh phí cho hoạt động này từ các nguồn như chi trả DVMTR, Nghị quyết 30a, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế theo Quyết định 57/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Việc tham gia của các hộ dân vào công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đóng góp đáng kể cho cải thiện sinh kế, thu nhập của người dân, nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ bảo vệ cũng như tăng độ che phủ rừng.
Điển hình trong hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH gắn với phát triển kinh tế tà mô hình Cộng đồng tham gia bảo vệ rừng đặc dụng Săng lẻ tại huyện Tương Dương. Ngoài ra còn có mô hình du  lịch cộng đồng – Du lịch sinh thái tại huyện Con Cuông và nhiều mô hình trông rừng, nông lâm kết hợp tại huyện Thanh Chương.
– Tiềm năng du lịch
Các đặc trưng về sự giàu có, phong phú của đa dạng sinh học và tính đa dạng, độc đáo về văn hoá là nguồn lực tự nhiên, văn hoá nổi bật nhất của Khu SQTG miền Tây Nghệ An và là tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, cộng đồng. Các loại hình du lịch hiện nay đang được khai thác và có nhiều triển vọng phát triển, bao gồm: 1) Du lịch sinh thái, thăm quan thắng cảnh: Tham quan hệ sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát, thác Kèm (Con Cuông); 2) Du lịch văn hoá – cộng đồng, tham quan hệ sinh thái làng, bản xen lẫn các suối nước, ruộng bậc thang của người Thái, người Đan Lai ở Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong; 3) Du lịch mạo hiểm – khám phá rừng VQG Pù Mát, KBTTN Pù Hoạt, KBTTN Pù Huống; 4) Du lịch nghiên cứu khoa học: Quan sát và chụp ảnh động, thực vật… Các sản phẩm bản địa như các bài thuốc quý, thủ công mỹ nghệ được khai thác nguyên liệu từ tự nhiên (thổ cẩm, hàng đan lát thủ công..), các sản vật đặc thù (Chanh leo, Thảo đậu khấu, Cam ..) có tính hấp dẫn cao đối với du khách.
Khoảng từ năm 2010, hoạt động du lịch ở khu vực Khu SQTG có sự chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đang dần được đầu tư với sự tham gia của doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2011-2016, toàn vùng Tây Nghệ An đã có thêm trên 60 cơ sở lưu trú được đưa vào sử dụng, du lịch tăng trưởng bình quân 10-12%/năm, doanh thu từ du lịch của 9 huyện, thị miền Tây Nghệ An giai đoạn 2011–2015 liên tục tăng. Đề án phát triển du lịch miền Tây Nghệ An đang được Sở Du lịch xây dựng theo hướng mở rộng các tuyến điểm du lịch, chú trọng vào loại hình du lịch sinh thái, văn hoá và tăng cường quảng bá đến thị trường khách quốc tế.
– Các dịch vụ hệ sinh thái 
Khu SQTG miền Tây Nghệ An có đầy đủ bốn loại dịch vụ hệ sinh thái gồm: i) dịch vụ cung cấp (gỗ, lâm sản ngoài gỗ, nước,…), ii) dịch vụ hỗ trợ (chu kỳ dinh dưỡng, ĐDSH), iii) dịch vụ điều hòa (điều hòa nguồn nước, chất lượng không khí), và iv) dịch vụ văn hóa (cảnh quan, không gian văn hóa) (Phụ lục 4). Tại các huyện trong Khu SQTG, dịch vụ chi trả môi trường rừng (DVMTR) được thực hiện từ 2011 và giao khoán bảo vệ rừng thực hiện trước đây đã góp phần phát triển kinh tế của người dân địa phương và có nguồn vốn tái đầu tư vào trồng rừng phục hồi diện tích chuyển đổi. Các nguồn thu chính do các dịch vụ HST cung cấp cho đến nay chủ yếu từ thuỷ điện, nước sạch, … Trong khu SQTG, cho đến tháng 7/2018 đã có đến 15 nhà máy thủy điện đã phát điện (và 12 nhà máy thuỷ điện khác đang xây dựng) và 5 nhà máy nước đang vận hành trong đó tổng thu từ thủy điện giai đoạn 2011 – 2016 là khoảng 240 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hiện tỉnh đang áp dụng thí điểm DVMTR với các đơn vị sử dụng nước công nghiệp. Như vậy, DVMTR là nguồn thu ngoài ngân sách hỗ trợ đáng kể trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Khu SQTG.
Theo Báo cáo của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, đến tháng 6/2018 đã có 29 hợp đồng cung cấp dịch vụ môi trường rừng với tổng nguồn thu 36.874.196.461 đồng. Trong đó có 15 thủy điện, 4 cơ sở sản xuất nước sạch và 10 cơ sở sản xuất công nghiệp.
Tỉnh Nghệ An đã có chủ trương phát triển đô thị theo hướng sinh thái và dự kiến thí điểm tại huyện Con Cuông cũng như định hướng cho các huyện, thị khác. Theo đó, du lịch sinh thái và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh sẽ là điểm nhấn quan trọng trong phát triển bền vững ở Khu SQTG.
– Hoạt động du lịch trong Khu SQTG
Kể từ năm 2007, sau khi được công nhận là Khu SQTG, hoạt động du lịch tại khu vực miền Tây Nghệ An có nhiều bước phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương, đặc biệt tại các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp.
Trong giai đoạn 2011-2015 lượng khách du lịch đến tham quan, du lịch vùng miền Tây Nghệ An tăng trưởng bình quân 10-12%/năm, riêng năm 2015 lượng khách đạt 320.575 lượt. Doanh thu từ du lịch của 9 huyện, thị miền Tây Nghệ An giai đoạn 2011–2015 tăng trưởng liên tục, từ 56.903 triệu đồng năm 2011 lên 72.393 triệu đồng năm 2015.
Trong giai đoạn 2007-2010 và 2011-2016: cơ sở hạ tầng du lịch mà chủ yếu là mạng lưới đường giao thông của miền Tây Nghệ An được đầu tư và nâng cấp, tạo nhiều thuận lợi cho phát triển KT-XH nói chung và du lịch nói riêng. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng mới, hoàn thành và đưa vào sử dụng. So với năm 2006 thì hiện nay hệ thống lưới điện đã được đầu tư, đã cơ bản hoàn thành việc đưa điện phục vụ đến các khu, điểm du lịch trong vùng – đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn Khu SQTG.
Tại Khu SQTG đã bước đầu hình thành và đưa vào khai thác các điểm du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử như bia Ma Nhai, cây đa Cồn Chùa (Con Cuông), đình Võ Liệt, đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Chín gian (Quế Phong), Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Quỳ Châu (Quỳ Châu), đền Chọong – Quỳ Hợp, đền Vạn – Cửa Rào (Tương Dương)…; các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm Bản Xiềng (Con Cuông), dệt thổ cẩm bản Hoa Tiến (Quỳ Châu); du lịch cộng đồng tại bản Nưa, bản Yên Thành, bản Khe Rạn (Con Cuông), bản Hoa Tiến (Quỳ Châu); các điểm du lịch danh lam thắng cảnh: thác Khe Kèm, Sông Giăng – Khe Khặng, suối nước Mọc (Con Cuông), thác Sao Va, thác 7 tầng (Quế Phong), hang Bua, hang Thẩm Ồm, Thẩm Chạng (Quỳ Châu);…. Ở một số làng, bản người dân tộc thiểu số đã có những hộ dân có thu nhập từ việc nấu ăn, đưa đón, phục vụ khách tham quan hoặc bán hàng thủ công (thổ cẩm, tre đan, nông sản địa phương). Người dân, đặc biệt là người bản địa đã bắt đầu được hưởng lợi từ các giá trị, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá của Khu SQTG.
Đến 2017, một số tour du lịch mới đã hình thành và bước đầu được khai thác, điển hình như: tour du lịch khám phá sông Giăng – Bản Cò Phạt – Bản Búng; tour du lịch sinh thái tham quan VQG Pù Mát; tour du lịch sinh thái và tham quan tìm hiểu văn hoá cộng đồng tại Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong; tour du lịch văn hoá lễ hội bước đầu được hình thành như Lễ hội Hang Bua, Lễ hội Đền Chín Gian, Lễ hội Uống nước nhớ nguồn; tour du lịch quốc tế theo tuyến đường 7 đi Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng) đi Luang Prabang (Lào). Trong giai đoạn 2011-2016, toàn vùng đã có thêm trên 60 cơ sở lưu trú được đưa vào sử dụng, đưa tổng số cơ sở lưu trú có trên địa bàn là 127 khách sạn, nhà nghỉ với 1.378 phòng, có khả năng phục vụ trên 800.000 lượt khách hàng năm.

5. hợp tác quốc tế trong nước và quốc tế
Khu SQTG miền Tây Nghệ An là một thành viên trong mạng lưới Khu SQTG tại Việt Nam và đã có các hoạt động kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều phối với các Khu khác. Khu SQTG miền Tây Nghệ An cũng mở rộng hợp tác với các cơ quan, các viện nghiên cứu, trường đại học ở trong nước, nắm bắt thông tin về các sự kiện trong lĩnh vực sinh quyển trong khu vực và trên thế giới, tiếp cận các nhà khoa học quốc tế, doanh nghiệp, nhà tài trợ tiềm năng và các tổ chức phi chính phủ. Hợp tác trong và ngoài nước mang đến nhiều lợi ích cho Khu SQTG miền Tây Nghệ An như tăng cường năng lực hội nhập khu vực và quốc tế; học tập kinh nghiệm quản lý; cơ hội cho sự hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao KH-CN, khả năng nghiên cứu khoa học; hỗ trợ quảng bá cho phát triển du lịch; nâng cao năng lực cán bộ; và cơ hội cho huy động động nguồn lực, sự tham gia của các bên. Có khoảng hơn 20 cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã hợp tác trực tiếp với BQL Khu SQTG miền Tây Nghệ An và các địa phương, cơ quan trong địa bàn sinh quyển.

Nguyễn Văn Điệp
Thư ký Ban quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An